RETINOIDS

Hiện nay có nhiều dòng sản phẩm chăm sóc da trên thị trường, nhiều nhất phải kể đến kem dưỡng: kem dưỡng chống oxy hóa (antioxidant), kem dưỡng làm trắng da (depigmetation), kem dưỡng ẩm (moisturizing), kem dưỡng chứa retinoid. Chung quy chúng ta dùng vì muốn có một làn da khỏe và đẹp. Khi chúng ta được sinh ra, gần như ai cũng sở hữu một làn da đẹp mịn màng không tì vết (làn da em bé), nhưng theo thời gian chúng ta khó duy trì được làn da như thế vì một sự thật đau lòng là quá trình lão hóa da. Đó là một quá trình tự nhiên của cơ thể theo thời gian do sự biến đổi dần của tế bào không còn như lúc ban đầu hay còn gọi là quá trình lão hóa theo tuổi, và đương nhiên là bạn không thể chặn đứng được chuyện này.

Tuy vậy, tại sao quá trình lão hóa lại khác nhau ở từng người?

Đó là do tác động của các yếu tố bên ngoài bao gồm sự tiếp xúc thường xuyên với tia tử ngoại (UV) gây lão hóa da do nắng (photoaging). Dưới tác động thường xuyên của tia tử ngoại, các nguyên bào sợi, sự tổng hợp collagen bị giảm và thậm chí là bị thoái hóa collagen do nhóm men tiêu collagen có tên gọi là MMP (matrix metalloproteinase). Do đó bạn sẽ thấy da mình sẽ mỏng dần (teo thượng bì), giảm chu kỳ thay da sinh học (keratinocyte turnover rate).

Giải pháp là gì?

Chúng ta sẽ dùng retinoid để làm giảm quá trình lão hóa da do nắng. Thế retinoid là gì? Retinoid là tên gọi những sản phẩm có nguồn gốc bắt nguồn từ vitamin A bao gồm beta carotene và một số nhóm carotenoid khác: retinol, Tre. Cấu trúc phân tử của chúng bao gồm 15 carbon, chia làm 3 phần: 1 nhóm vòng benzen (cyclic group), 1 nhóm polyene và 1 nhóm phân cực: có thể là alcohol như retinol –CH2OH, aldehyde như retinaldehyde –CHO, retinoic acid –COOH.

Thông thường, Retinoids được cung cấp qua chế độ ăn hàng ngày của chúng ta:

  • Các loại thức ăn giàu Carotenoid như cà rốt, các loại trái cây họ cam…
  • Các dạng ester của acid béo chuỗi dài như Retinyl Palmitate có trong phô mai, trứng, gan cá, sữa…

Chúng được hấp thu qua ruột, dự trữ ở gan và theo dòng máu đi khắp cơ thể.

Tại da retinol được thu nhận bởi các tế bào sừng (keratinocyte) và dự trữ dưới dạng retinyl ester (chủ yếu palmitate, oleate, và acetate ester). Ở bên trong tế bào, dưới tác động của enzyme lecithin-retinolacyl transferase giúp cho retinol bị oxy hóa thành retinal và retinoic acid. Có hai loại protein giúp chuyên chở cho quá trình chuyển hóa này: thứ 1 là protein chuyên chở retinol (CRBP – cellular retinol-binding protein) và protein chuyển chở retinoic acid (CRABP – cellular retinoic acid binding protein). Vai trò của chúng là để kiểm soát lượng retinol/retinoic acid tự do và chuyển chở đến nhân tế bào: thụ thể nhân được chia làm 2 nhóm: retinoic acid receptors (RARs) và retinoid X receptors (RXRs).

Nhờ tiếp xúc với thụ thể nhân làm mở khóa một loạt các phản ứng tổng hợp các protein cho quá trình phát triển của tế bào (quá trình giãi mã gen, tổng hợp protein từ các ribosome). Do vậy, retinol giúp điều hòa quá trình biệt hóa của tế bào sừng, kích thích tế bào đáy biệt hóa thành thành tế bào sừng thông qua việc tiết yếu tố tăng trưởng tế bào heparin-binding-epidermal (HB-EGF) từ các tế bào sừng cận trên lớp tế bào đáy. Nhìn chung hiệu quả của nó là kích thích sự tăng sinh tế bào đáy và lớp cận đáy, ức chế sự chết theo chương trình của thoái biến của tế bào sừng (terminal differentiation), do đó làm lớp thượng bì dày hơn.

Đối với nguyên bào sợi, retinol có tính chất kích thích mạnh sự tăng trưởng của nguyên bào sợi và quá trình tổng hợp tiền sợi collagen I và III thông qua việc ức chế CCN1 mRNA và protein tiêu hủy collagen MMP do quá trình lão hóa theo tuổi và nắng. Ngoài ra retinol cũng có tác động lên sự tổng hợp sợi elastin.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên một vấn đề thường gặp khi sử dụng retinoid là da bị kích ứng. Đặc biệt là với Tre có thể làm đỏ da, tróc vẩy, và gây tăng nhạy cảm ánh sáng.

Da khô bong tróc

Đỏ da

Về vấn đề tróc vẩy và khô da, chủ yếu do sự tăng sinh của tế bào sừng, tương quan với loại và liều retinoid đang dùng. Hiện tượng này xảy ra 2 – 4 ngày sau lần thoa đầu tiên. Đối với tình trạng đỏ da do kích ứng, thật ra các nghiên cứu mới cho thấy kết quả đạt được đều như nhau ở việc có đỏ da kích ứng hay không. Chủ yếu do nồng độ và loại retionoid đang dùng. Đối với Tre 0.1% có nguy cơ gây kích ứng đỏ da gấp 3 lần so với Tre 0.025%. Vấn đề da khô chủ yếu do sự tăng tính mất nước qua lớp thượng bì (TEWL), mặc dù retinoid làm tăng sinh tế bào, nhưng lại làm giảm tổng hợp ceramide (ít nhất trong thời gian ngắn). Điều này làm giảm thành phần dưỡng ẩm của da, một phần có thể giải thích tình trạng da khô trên những người dùng retinoid.

Một trong những cách giải quyết là thoa lượng nhỏ và tần suất thưa hơn. Hai là dùng retinol – lựa chọn thay thế và ít tác dụng phụ hơn, do đó dễ được chấp nhận dùng trong hóa mỹ phẩm điều trị lão hoá thông thường. 

Nghiên cứu vào năm 1995 của Kang và cộng sự khi so sánh hiệu quả của retinol 1.6% (dạng miếng dán) so với Tre 0.025% đều có hiệu quả tương đương trong việc tăng sinh lớp thượng bì, nhưng tác dụng đỏ da lại ít hơn rất nhiều so với dùng Tre. Ngoài ra nghiên cứu của Duell và cộng sự cho thấy retinol thoa thấm qua lớp thượng bì tốt hơn và ít kích ứng hơn dạng Tre. Và nghiên cứu của Goffin năm 1997 khi dùng sản phẩm retinol 0.075% trong vòng 8 tuần giúp cải thiện lớp bề mặt của da và có sự dung nạp tốt hơn Tre.

Gợi ý một vài sản phẩm chứa Retinol:

Obagi 360 Retinol 1.0%

Kem dưỡng Obagi 360 Retinol 1% với nồng độ Retinol 1% hoạt động hiệu quả trên mọi làn da, đặc biệt là da dầu, không những giúp cải thiện các dấu hiệu lão hoá da mà còn giảm nhờn, ngăn ngừa mụn tuyệt vời.

Obagi 360 Retinol 0.5%

Tinh chất Obagi 360 Retinol 0.5% là sản phẩm có công thức độc quyền với nồng độ Retinol 0.5% có tính ổn định cao, kết hợp với các các thành phần chống oxy hoá và làm dịu da, giúp ngăn ngừa lão hoá da hiệu quả đồng thời nuôi dưỡng cho da mềm mịn, tươi sáng và rạng rỡ.

Retinoid thoa như thế nào để hiệu quả và giảm kích ứng?

Thông thường nên ưu tiên chọn retinol thoa hoặc retinoid có nồng độ thấp nhất. Thoa vào buổi tối, sau đó mới tăng liều dần.

Cụ thể: rửa mặt, thoa các sản phẩm khác trước (như dưỡng ẩm, kem trị mụn,…) sau đó lấy một lượng retinol/retinoid nhỏ cỡ hạt đậu Hà Lan với một lượng tương đương kem dưỡng ẩm rồi thoa khắp mặt.

Có thể sử dụng cách 2 ngày trong 2 tuần đầu, nếu không có hiện tượng đỏ da hay kích ứng thì mới chuyển qua thoa cách ngày trong 2 tuần tiếp theo. Nếu ổn thì thoa tiếp mỗi tối. Sau khi dùng được 3 tháng có thể chuyển sang liều cao hơn.

Lưu ý: Không dùng chung retinol/retinoid với Glycolic acid/Salicylic acid ở cùng một thời điểm, nếu có thì phải đợi tối thiểu 30 phút giữa các bước hoạt chất để tránh gây kích ứng da. Tuy nhiên, có một số loại AHA nếu thoa thời gian dài trước đó thì khi thoa retinoid lại ít gây kích ứng. Lý do hiện vẫn chưa rõ, có thể do AHA làm tăng cường chức năng bảo vệ da, do đó làm giảm thẩm thấu retinoid.

Nồng độ retinol thế nào là phù hợp?

Để trả lời câu hỏi này nhiều nghiên cứu được thực hiện để so sánh hiệu quả chống lão hóa da của những nồng độ khác nhau của retinol. Đầu tiên người ta thử retinol nồng độ thấp 0.1% thoa mỗi ngày trong 56 tuần, quá trình nhận biết có hiệu quả chống lão hóa do nắng có thể thấy sớm sau 4 tuần: nếp nhăn nhỏ, độ đàn hồi, độ mịn và mức độ lão hóa da nói chung. Do vậy với nồng độ thấp (0.1%) vẫn có thể hiệu quả có ý nghĩa và nhanh chóng trong việc mang lại làn da trẻ khỏe mà da vẫn có sự dung nạp tốt, rất ít bị kích ứng (không có sự bỏ cuộc trong việc thoa tiếp tục retinol). Thậm chí một nghiên cứu thực hiện thoa retinol với nồng độ thấp hơn 0.075% và 0.04%, cả hai sản phẩm đều có sự cải thiện đáng kể đối với nếp nhăn mà lại rất ít bị kích ứng. Do đó dường như có thể thấy rằng retinol có hiệu quả ngay cả với nồng độ rất thấp, và dĩ nhiên là giảm thiểu nguy cơ bị kích ứng.

Thời gian sử dụng retinol thoa trong bao lâu?

Một nghiên cứu gần đây năm 2015 đăng tải trên tạp chí thuốc dành cho da liễu (Drug Dermatol Journal) thực hiện thoa retinol (0.1%) trong vòng 52 tuần cho toàn mặt, sau đó đánh giá lại bằng dựa trên lâm sàng, hóa mô miễn dịch và mô học. Kết quả là sau 52 tuần, retinol giúp cải thiện nếp nhăn quanh mắt 44% và đốm sắc tố (mottled pigmentation) tới 84%, và hơn 50% đối tượng có sự cải thiện mức độ 2+ về thang điểm trẻ hóa. Kết quả hóa mô cũng cho thấy có sự gia tăng tổng hợp tiền sợi collagen type 1, hyaluronan và Ki67 (maker biểu thị sự tăng trưởng của tế bào) của tế bào đáy giúp sản sinh tế bào sừng.

Tóm lại là quá trình lão hóa da bao gồm do tuổi và do nắng gây ra sự mất tăng sinh tế bào, giảm tổng hợp chất nền gian bào, và thoái biến protein do hoạt động quá mức các men matrix-degrading proteinases. Retinoid là những chất có nguồn gốc tự nhiên, hiện diện ở da và điều hòa lại quá trình biệt hóa của tế bào thượng bì, hoạt hóa quá trình tổng hợp collagen và elastin, giảm tác động của men MMP bị hoạt hóa dưới tia UV. Do đó retinoid giúp cải thiện vẫn đề lão hóa da khá hiệu quả. Tuy vậy những sản phẩm thoa cũng đem lại một số phiền toái: đỏ da, bong da và kích ứng da. Retinol nhìn chung ít gây kích ứng hơn so với retinoic acid mặc dù cũng mang lại kết quả điều trị tương tự. Hơn nữa mức độ retinoic acid ở thượng bì được quan sát sau khi thoa retinol cực kì thấp và không nhận thấy được do đó nhìn chung khá an toàn trong việc gây ra tác dụng phụ lên da. Và nghiên cứu cho thấy với nồng độ retinol 0.1% cũng có cải thiện vẻ ngoài của da bị lão hóa chỉ trong vòng 1 tháng, và có thể sử dụng an toàn lâu dài đến 52 tuần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *