Những hoạt chất trị mụn bạn nên thử ít nhất một lần trong đời

Làn da mụn luôn là vấn đề gây đau đầu không của riêng ai, bất kể nam hay nữ, độ tuổi dậy thì hay trưởng thành đều có thể bị mụn. Và hiện nay trên thị trường có vô vàn sản phẩm điều trị mụn với các thành phần hoạt chất đa dạng khác nhau, thượng vàng hạ cám. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn được sản phẩm chứa loại hoạt chất phù hợp và hiệu quả nhất cho làn da của mình? Hãy cùng T&T tìm hiểu xem những hoạt chất dẫn đầu trong điều trị mụn – nhận được nhiều lượt review tích cực từ đông đảo người dùng là gì, cơ chế hoạt động ra sao và những sản phẩm nổi bật có chứa thành phần đó nhé.

1. Retinoids

Retinoids được xem là “hoạt chất vàng” trong việc điều trị đa vấn đề về da, có khả năng làm giảm mụn, mờ thâm và chống lão hoá vô cùng hiệu quả. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết trước rất chi tiết về Retinoids tại đây. Riêng phạm vi bài viết này sẽ chỉ đề cập đến khả năng điều trị mụn của Retinoids đường bôi.

Retinoids thực chất là tên gọi chung của nhóm các dẫn xuất từ Vitamin A được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da. Retinoids thường được bác sĩ da liễu kê toa cho bệnh nhân để điều trị các vấn đề về mụn nhờ khả năng trị mụn cùng cải thiện làn da “siêu đỉnh” mà gần như chưa có hoạt chất nào vượt qua được, và khả năng này đã được công nhận hơn 40 năm nay trong ngành da liễu. Nói không ngoa thì bất cứ ai đang gặp rắc rối với mụn mà đã sử dụng nhiều loại sản phẩm vẫn không hết thì nhất định phải trải nghiệm Retinoids một lần trong đời.

Về cơ chế hoạt động của Retinoids đối với da mụn, khi thoa Retinoids lên da, Retinoids sẽ giúp “dọn dẹp” các lỗ chân lông bị bít tắc, tăng tốc độ tái tạo da và đào thải các tế bào sừng già cỗi, giảm thiểu hoạt động của tuyến dầu, từ đó mang lại làn da thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, Retinoids còn có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ trong việc giảm các đốm mụn sưng tấy, nhanh chóng gom cồi và làm xẹp mụn. Ngoài ra, do đặc tính kích thích sản sinh Collagen và tái tạo tế bào da mới mà Retinoids còn giúp giảm thiểu sự hình thành của sẹo mụn và cải thiện lỗ chân lông.

Những dẫn xuất Retinoids phổ biến nhất thường được sử dụng trong điều trị mụn phải kể đến là:

a) Tre (Retinoid Acid)

Là dẫn xuất Retinoids mạnh nhất đường bôi, còn được gọi là Retin-A hay cũng chính là Retinoid Acid. Tre không cần phải trải qua bất cứ quá trình chuyển hoá nào để chuyển thành Retinoid Acid, do đó Tre không hề bị ảnh hưởng bởi độ pH như các dẫn xuất Retinoids khác. Nhờ vậy, Tre có thể phát huy được hiệu quả tối ưu trên da, nhưng đây cũng chính là con dao hai lưỡi vì Tre quá mạnh có khả năng gây ra các tác dụng phụ như đỏ rát, bong tróc, kích ứng da. 

Các nồng độ Tre phổ biến theo thứ tự từ nhẹ đến mạnh dần là: 0.025%, 0.05%, 0.1%. Khi mới bắt đầu sử dụng, bạn nên bắt đầu với nồng độ thấp nhất và tăng dần lên khi da đã quen với hoạt chất.

Thông thường ở nước ngoài, sản phẩm chứa Tre chỉ được bày bán trong các hiệu thuốc và bệnh viện theo đơn thuốc của bác sĩ da liễu. Nhưng ở Việt Nam thì sản phẩm được bán thoải mái trong các hiệu thuốc mà không cần kê toa. 

Những sản phẩm nổi bật điển hình nhất có chứa thành phần Tre phải kể đến là Obagi Tre Cream với 3 nồng độ 0.025%, 0.05% và 0.1%.

Obagi Tre Cream 0.025%

Obagi Tre Cream 0,05%

Obagi Tre Cream 0.1%

b) Retinaldehyde

Retinaldehyde là dẫn xuất Retinoids mạnh thứ 2 chỉ sau Tre. Chỉ với một bước, cơ thể đã có thể chuyển đổi Retinaldehyde thành Retinoic Acid. Nhờ đó, Retinaldehyde được sử dụng như một hoạt chất điều trị mụn dành cho da nhạy cảm, mang lại kết quả gần tương tự với Tre nhưng giảm thiểu được các tác dụng phụ của thành phần này.

  • Retinaldehyde có tỉ lệ kích ứng thấp hơn, do đó dễ dàng kết hợp với những liệu pháp điều trị mụn khác như AHA/BHA hay Benzoyl Peroxide.
  • Nhờ sự chuyển đổi thành acid retinoic trong cơ thể, Retinaldehyde hoàn toàn có khả năng mang lại các tác dụng trên mụn tương tự như Retinoid hoạt tính.
  • Bên cạnh đó, Retinaldehyde còn có khả năng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn gây mụn P.Acnes, và được chứng minh là kháng khuẩn tốt hơn cả Retinoic Acid hoặc Retinol.
  • Retinaldehyde phổ biến ở các nồng độ từ 0.05% đến 0.1%.

Một trong những sản phẩm điển hình của nhà Obagi có chứa thành phần Retinaldehyde chính là SUZANOBAGIMD RETIVANCE® Skin Rejuvenating Complex với nồng độ Retinaldehyde 0,1%.

c) Retinol

Retinol là dẫn xuất Retinoids phổ biến nhất được sử dụng trong mỹ phẩm mà không cần có sự kê toa của bác sĩ như Tre. Retinol phải trải qua sự chuyển hoá thành Retinaldehyde sau đó mới đến Retinoic Acid, và qua mỗi bước chuyển đổi Retinol có thể không được 100% chuyển thành Retinoic Acid và Retinol ước chừng sẽ nhẹ hơn Tre 20 lần. Do đó, Retinol là sự lựa chọn của đông đảo người dùng nhờ khả năng kích ứng da thấp hơn rất nhiều so với Tre mà vẫn mang lại công dụng tương tự cho da khi sử dụng về lâu dài như: trị mụn, chống lão hoá, mờ nếp nhăn…

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Retinol cần phải trải qua quá trình chuyển hoá nên sẽ phụ thuộc vào độ pH để có thể hoạt động tối ưu. Độ pH lý tưởng để Retinol hoạt động là từ 5 – 6, vì vậy Retinol sẽ không thích hợp để dùng chung với những hoạt chất mang tính Acid như AHA/BHA/Vitamin C, không chỉ tăng khả năng kích ứng da mà còn mất đi hiệu quả của từng hoạt chất.

Những sản phẩm chứa Retinol hàng đầu trên thị trường các bạn có thể tham khảo là Retinol của Obagi, Paula’s Choice…

Obagi Retinol 0.5%

Obagi 360 Retinol 1.0%

2. Benzoyl Peroxide

Benzoyl Peroxide (BP) có thể nói là một trong những hoạt chất trị mụn sưng viêm hiệu quả nhất hiện nay đã được khoa học chứng minh, và được các bác sĩ & chuyên gia da liễu tin dùng. Nếu như Retinoids được sử dụng để điều trị nhiều loại mụn khác nhau, từ mụn ẩn, mụn nhẹ & vừa cho đến mụn trứng cá thì Benzoyl Peroxide lại thích hợp cho điều trị mụn sưng viêm, mụn bọc, mụn mủ; đặc biệt là các loại mụn gây ra do vi khuẩn P.Acnes. 

Cơ chế hoạt động của BP là thâm nhập sâu vào bên trong lỗ chân lông, giải phóng oxy để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P.Acnes (vì loại vi khuẩn này không thể sống trong môi trường có oxy). Đồng thời, BP còn có tác dụng làm bong lớp sừng trên bề mặt da, loại bỏ tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn từ đó ngăn ngừa mụn tái phát. Chưa kể đến nữa là BP có khả năng kháng khuẩn mạnh, hỗ trợ thêm cho quá trình điều trị mụn.

Tương tự Retinoids, BP cũng tồn tại ở cả hai dạng sản phẩm trị mụn kê toa và không kê toa, nhưng đa số trên thị trường thì BP sẽ được bán ở dạng mỹ phẩm không kê toa với nồng độ dao động từ 2.5% – 10%. Không chỉ ở dạng thuốc bôi điều trị tại chỗ/chấm mụn, BP còn có ở dạng thoa vùng rộng hoặc kết hợp trong sữa rửa mặt/toner/mask… 

BP có thể phát huy hiệu quả rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 5 ngày sử dụng với nồng độ và tần suất phù hợp. Trong điều trị da liễu, BP thường được dùng kèm với kháng sinh để điều trị mụn nặng nhằm nâng cao tính năng và chống lờn kháng sinh. Còn trong mỹ phẩm điều trị mụn không kê toa, BP lại thường được sử dụng kết hợp với BHA (Salicylic Acid) để điều trị toàn diện các loại mụn trên da như mụn sưng viêm lẫn mụn ẩn, mụn đầu đen…

Một số lưu khi khi lựa chọn và sử dụng Benzoyl Peroxide là:

  • Nên bắt đầu với nồng độ thấp trước như 2.5% để da làm quen dần, tránh các kích ứng da như mẩn đỏ, cháy da, bong tróc… Sau đó, bạn có thể chuyển qua nồng độ BP cao hơn như 5% hay 10% nếu muốn (tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của mụn hoặc nếu thấy thời gian mụn giảm quá lâu).
  • Hiện tượng châm chích, hơi rát da khi mới sử dụng là hoàn toàn bình thường, hiện tượng này sẽ giảm dần và hết khi da đã quen với hoạt chất. 
  • Nên thoa BP ngay sau bước làm sạch da (sữa rửa mặt – toner) để BP hoạt động hiệu quả nhất. Riêng với làn da nhạy cảm, muốn giảm kích ứng da thì có thể thoa BP sau cùng ở cuối chu trình skincare.
  • Nhược điểm của BP là gây khô và bong tróc da, do đó nên lưu ý dưỡng ẩm cho da đầy đủ trong quá trình điều trị mụn và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên vào ban ngày.
  • Luôn patch test lên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng sản phẩm ở diện rộng để tránh tình trạng kích ứng da không mong muốn.

Paula’s Choice Clear Regular Strength Daily Skin Clearing Treatment 2.5% Benzoyl Peroxide

Paula’s Choice Clear Extra Strength Daily Skin Clearing Treatment with 5% Benzoyl Peroxide

3. Salicylic Acid (BHA)

Salicylic Acid (SA) là cái tên đã quá phổ biến đối với những người sở hữu làn da dầu, mụn và bít tắc lỗ chân lông. Salicylic Acid xuất hiện trên hầu hết bao bì của các sản phẩm điều trị mụn từ sữa rửa mặt, nước hoa hồng, mặt nạ cho đến kem dưỡng, kem trị mụn. 

Đây là hoạt chất thuộc nhóm BHAs – Beta Hydroxy Acids, là một loại acid gốc dầu và hoà tan được trong dầu, vì vậy đặc biệt thích hợp cho làn da dầu mụn. Cơ chế hoạt động chính của Salicylic Acid là thẩm thấu qua da và ngấm sâu xuống lỗ chân lông, nới lỏng liên kết giữa các tế bào chết để đào thải chúng qua bề mặt da, làm sạch các tế bào sừng già cỗi này. Đồng thời, Salicylic Acid cũng loại bỏ luôn bã nhờn và bụi bẩn bít tắc bên dưới da, từ đó giảm tình trạng tắc nghẽn, mang lại lỗ chân lông thông thoáng, điều tiết lượng dầu dư thừa. Do vậy nên Salicylic Acid cực kì hữu ích trong việc điều trị và ngăn ngừa mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn ẩn. 

Ngoài khả năng thanh tẩy tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông, Salicylic Acid còn là hoạt chất kháng khuẩn và kháng viêm vô cùng hiệu quả, hỗ trợ làm giảm sưng viêm mụn. Tuy nhiên do không tiêu diệt vi khuẩn P.Acnes như Benzoyl Peroxide nên Salicylic Acid thích hợp với trường hợp mụn đầu đen, mụn đầu trắng hơn là mụn sưng viêm, mụn bọc, mụn mủ.

Không giống với Benzoyl Peroxide mang lại hiệu quả nhanh chóng chỉ sau vài ngày sử dụng, Salicylic Acid cần thời gian ít nhất một chu trình thay mới da (28 ngày) để có thể nhận thấy sự khác biệt trên da như giảm mụn đầu đen/mụn đầu trắng, da sạch thoáng hơn, kích thước lỗ chân lông được cải thiện… Tuy nhiên, chậm mà chắc vẫn tốt hơn đúng không nào?

Một số lưu ý khi lựa chọn và sử dụng Salicylic Acid:

  • Salicylic Acid thường được sử dụng với nồng độ từ 0,5% – 2% trong mỹ phẩm (ngưỡng an toàn khi sử dụng trên da) và hoạt động tốt nhất ở dạng leave-in-treatment (không rửa đi).
  • Vì thực chất Salicylic Acid là một loại a-xít, do đó độ pH tối ưu để Salicylic Acid hoạt động hiệu quả trên da sẽ dao động từ 3 – 4. Do đó, không nên sử dụng cùng lúc Salicylic Acid với Retinol (có độ pH hoạt động từ 5 – 6) sẽ làm mất tác dụng của cả hai hoạt chất này.
  • Luôn patch test lên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng sản phẩm ở diện rộng để tránh tình trạng kích ứng da không mong muốn.
  • Nên bắt đầu sử dụng Salicylic Acid ở nồng độ nhẹ và tần suất từ 2-3 lần/tuần hoặc cách ngày trước tiên để da làm quen với hoạt chất. Sau khoảng 2-3 tuần khi da đã quen dần và không xảy ra hiện tượng khô rát, mẩn đỏ, bong tróc… thì bạn có thể tăng lên sử dụng hằng ngày.
  • Lưu ý dưỡng ẩm cho da đầy đủ trong quá trình điều trị mụn với Salicylic Acid và luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên vào ban ngày.
  • Salicylic Acid không sử dụng cho da bị tình trạng rosacea, da dị ứng với aspirin, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Gợi ý những sản phẩm điều trị mụn chứa Salicylic Acid bạn nên thử:

4. Gluconolactone (PHA)

Nghe hơi xa lạ nhưng Gluconolactone được mệnh danh là thành phần tẩy da chết thế hệ mới và được sử dụng nhiều trong các sản phẩm điều trị mụn, chống lão hoá trong thời gian gần đây. Gluconolactone là một hợp chất thuộc nhóm PHAs – Polyhydroxy Acids, là thế hệ thứ ba của AHAs – Alpha Hydroxy Acids, có hiệu quả tương tự nhưng lại ít kích ứng da hơn rất nhiều.

Đặc tính của PHA là có cấu trúc phân tử lớn, vì thế khả năng thẩm thấu vào da kém hơn so với AHA, do đó mà PHA dịu nhẹ hơn hẳn, đặc biệt phù hợp cho những làn da nhạy cảm, da bị kích ứng khi sử dụng AHA/BHA.

Tương tự như AHA, PHA là một loại acid hoà tan được trong nước, hoạt động theo cơ chế làm lỏng các liên kết giữa các tế bào sừng biểu bì, giúp chúng tách rời và bong ra, từ đó giúp làm sạch tế bào chết và mang lại làn da thông thoáng mịn màng hơn. Cơ chế này đặc biệt hữu ích với làn da bị mụn do bít tắc lỗ chân lông.

Theo nghiên cứu, nồng độ 14% Gluconolactone (PHA) có khả năng trị mụn tương đương như 5% Benzoyl Peroxide nhưng lại không gây kích ứng và khô da mạnh như BP.

Ngoài ra, Gluconolactone còn hoạt động như một chất cấp ẩm (humectant), giúp gia tăng độ ẩm trên da bằng cách hấp thu nước vào trong lớp biểu bì. Vì vậy, Gluconolactone thích hợp để điều trị mụn cho mọi loại da, kể cả những làn da khô mất nước, dễ bong tróc và nhạy cảm.

Về độ pH hoạt động, cũng giống như AHA, PHA sẽ hoạt động tốt nhất ở độ pH từ 3 – 4 và không nên kết hợp với Retinol để tránh giảm hiệu quả. Khi sử dụng Gluconolactone, bạn cũng cần patch test trước khi thoa lên toàn mặt và lưu ý dùng kem chống nắng vào ban ngày. 

Những sản phẩm có chứa thành phần Gluconolactone nổi bật phải kể đến là dòng sản phẩm dành cho da dầu mụn Sebiaclear của thương hiệu dược mỹ phẩm Pháp SVR:

SVR SEBIACLEAR Active

SVR SEBIACLEAR Cicapeel

TỔNG KẾT

Hi vọng bài viết đã giúp các bạn có được cái nhìn tổng quát hơn về các hoạt chất điều trị mụn, cũng như biết cách lựa chọn hoạt chất phù hợp hơn với loại da, tình trạng mụn của riêng mỗi người. Chúc các bạn sớm có được một làn da sạch mụn và không tì vết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *